Cuộc sống vốn không công bằng…

Cái chết là điểm đến của tất cả mọi người, người tới như thế nào thì ra đi như thế đó, nhưng quan trọng không phải là điểm đến mà quá trình sống, mục tiêu sống, hành trình của cuộc đời!

Dạo này trên mạng hay thấy nhiều khẩu hiệu đại loại giàu hay nghèo chết rồi thì cũng như nhau! Nghe qua thì có vẻ đúng nhưng tự nhiên thấy mất động lực, mất mục tiêu phấn đấu quá! Nghe có vẻ giống chân ngắn hay chân dài thì cũng tới háng! Nói thì có vẻ thô quá nhưng bản chất, nội dung của hai câu thì giống nhau! Nhưng có phải vậy không? Nghèo hay giàu chết thì cũng như nhau?

Con người ngay từ khi mới lọt lòng ra đời đã giàu, nghèo khác nhau. Có người khi sinh ra trong nhung lụa, khi chết đi có khi chỉ còn lại đống tro tàn! Nhưng quan trọng không phải là điểm đến, mà là quá trình sống, hành trình cuộc đời! Sống mà nghĩ giàu hay nghèo thì chết cũng giống nhau vậy thôi ta chẳng cần phải làm gì! Nhưng….. bịch nilon cũng đựng được đồ, sao có người lại mua cái giỏ hàng chợ trị giá một trăm ngàn, cái giỏ một trăm ngàn cũng đựng được đồ sao có người lại mua cái giỏ vài triệu, giỏ vài triệu cũng đựng được đồ sao các cô người mẫu, ca sĩ lại mua cái giỏ Hermes Birkin trị giá tới 4 tỷ đồng? Và có nhiều người không những có một cái mà hàng chục cái chẳng hạn như Victoria Beckham. Đó chính là cuộc sống muôn màu muôn vẻ, khi người ta đã đạt được mục tiêu này người ta lại muốn mục tiêu khác cao hơn, kỳ vọng cao hơn, đẳng cấp cao hơn để có động lực tiếp tục cuộc hành trình. Và chính vì vậy xã hội mới phát triển chứ không đơn thuần chỉ mãi là cái bịch nilon đựng được là được!
Chết là cát bụi trở về cát bụi, nhưng có người chết đi rồi nhưng vẫn sống trong tim những người ở lại, có người ra đi thanh thản, có người ra đi trong tiếc nuối, có người ra đi trong cô đơn, có người ra đi trong sự căm phẫn của xã hội! Vậy thì chết có như nhau? Cái chết là điểm đến của tất cả mọi người, người tới như thế nào thì ra đi như thế đó, nhưng trong quá trình sống nhiều người đã để lại cho nhân loại một di sản về kinh tế, chính trị xã hội, thay đổi lịch sử một nước mà khi người ra đi mọi người đều tưởng nhớ, ghi ơn…hay đơn giản người ta chỉ cống hiến cho làng quê, thôn xóm mà khi họ ra đi mọi người cảm thấy mất mát!… Đó mới chính là mục đích sống trên đời. Ông bà ta chẳng phải có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” đấy thôi!

Chắc có lẽ tôi còn quá nhiều sân si, tham vọng nên thấy ăn cơm nước mắm khác với ăn cơm cá thịt. Đi xe hai bánh khác với xe bốn bánh và chân ngắn thì khác hẳn với chân dài mặc dù cũng tới đó! Nên tôi luôn tự nhắc nhở mình: “Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó!” (Bill Gates) và cố gắng với mục tiêu đề ra vì biết rằng cuộc đời của một đứa trẻ có dễ dàng và thành công hay không phụ thuộc rất nhiều từ xuất thân gia đình. Trừ phi phải giỏi thật sự và biết cách gây chú ý tới người khác như cậu sinh viên thi y khoa “Thi được 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. xin hãy giúp em”…đó là sự cố gắng vượt trội so với mọi người!

(Họa sĩ Toby Morris khắc họa sự khác biệt số phận của hai đứa trẻ giàu và nghèo qua bộ tranh vẽ là một trong những minh chứng)

Bình luận về bài viết này